Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

NHỮNG TRƯỜNG HỌC TẠI NHA TRANG XƯA VÀ NAY

 NHỮNG TRƯỜNG HỌC TẠI NHA TRANG

XƯA VÀ NAY

 Ngô Văn Ban



 Sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802 lấy niên hiệu là Gia Long, mở đầu triều Nguyễn thống nhất đất nước. Lúc đó, triều đình mới chăm lo đến việc giáo dục cùng các mặt kinh tế xã hội khác.
Tại tỉnh Khánh Hòa, lúc đó, lỵ sở được đặt tại huyện Diên Khánh. Còn vùng Nha Trang hiện nay thuộc huyện Vĩnh Xương, thuộc phủ Diên Khánh. Tại huyện Vĩnh Xương, theo Đại Nam nhất thống chí- tỉnh Khánh Hòa, trường huyện  địa phận xã Vạn Thạnh, phía tây huyện trị. Nguyên trước đặt trường ở xã Vĩnh Điềm, sau vì việc biến cố bị tàn phá, nên trường học phải tùy tiện xê dịch chỗ khác. Mãi đến niên hiệu Đồng Khánh (1886-1888) mới dời về dựng ở nơi này “ (1) . Theo đó, trường của huyện đặt  tại xã Vạn Thạnh nay là phường Vạn Thạnh phía tây huyện trị. Về huyện trị huyện Vĩnh Xương, tức là nơi cơ quan huyện đóng, sách Đại Nam nhất thống chí có ghi :” Ở địa phận xã Vạn Thạnh trong niên hiệu Đồng Khánh (1886-1888) mới dời đến đây : bốn mặt rào tre, chưa có hào bao quanh. Nguyên hồi năm Minh Mạng thứ 13 (1832) huyện này đặt tại xã Vĩnh Điềm, tổng Xương Hà, xung quanh rào tre, chu vi dài 24 trượng. Sau nhân việc biến cố nên chỗ cũ ấy bị tàn phá “ (2) . Như thế, trường học huyện Vĩnh Xương trước đặt tại xã Vĩnh Điềm (nay là phường Ngọc Hiệp) cùng nơi với huyện trị, sau vì biến cố, trường học và huyện trị phải dời xuống phường Vạn Thạnh hiện nay. Về vị trí thì chưa rõ trường đặt ở nơi nào trong phường Vạn Thạnh .
Khi thị trấn Nha Trang được thành lập năm 1924 dưới thời Pháp thuộc, Nha Trang được coi là tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa. Tòa Sứ, các cơ quan chuyên môn của chính quyền thuộc địa đều đặt ở thị trấn này. Bên cạnh trường do Nam triều mở dạy chữ Hán, sau này thêm chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, chính quyền thuộc địa còn mở trường Pháp - Việt dành cho học sinh không muốn học chữ Hán. Và trường Tiểu học Pháp - Việt  Nha Trang ra đời từ năm thành lập thị trấn, nay là cơ sở của trường THPT Nguyễn Văn Trỗi ở đường Hàn Thuyên. Trước đó, vào khoảng năm 1920, có một trường tiểu học dạy quốc ngữ và chữ Hán được mở tại đường Thống Nhất hiện nay, gọi là trường Huấn Giảng, gồm có 3 lớp, mỗi lớp có từ 10 đến 15 học sinh. Khi trường Tiểu học Pháp - Việt Nha Trang chuyển đổi sang chương trình dạy tiếng Việt, trường Huấn Giảng này dời về, và trường Tiểu học Pháp - Việt Nha Trang trở thành trường Nam Tiểu học, dành cho nam sinh. Còn nữ sinh học ở trường Nữ Tiểu học, phía sau trường Nam, nay là cơ sở của trường THPT Bán Công Chu Văn An, đường Hai Bà Trưng.
Bên cạnh trường Tiểu học Pháp - Việt, Pháp còn mở một trường chuyên dạy tiếng Pháp cho con em quan chức người Pháp và một số con em những quan chức gọi là Trường Tiểu học Pháp (Collège Francais de Nha Trang), dạy theo chương trình chính quốc, thường gọi là trường Tây, đặt tại cơ sở nay là trường Mẫu Giáo Lý Tự Trọng, đường Lý Tự Trọng.
Năm 1934, một trường tư tiểu học đầu tiên được mở tại Nha Trang, đó là trường tiểu học tư thục Hóa Khánh ở góc đường Trần Quý Cáp – Lê Thành Phương hiện nay. Trường chỉ dạy từ lớp Nhì, Nhất (tức là lớp 4, lớp 5 bây giờ) và lớp luyện thi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường công lập, gọi là lớp bổ túc hay lớp tiếp liên.
Và năm 1936, một trường tư thục dạy chương trình trung học cũng được ra đời tại Nha Trang mang tên là trường Kim Yến ở đường Lê Lai . Như thế, học sinh Khánh Hòa – Nha Trang học xong bậc tiểu học không còn ra Quy Nhơn hay Huế học bậc trung học nữa. Trương Kim Yến hoạt động đến năm 1945 thì đóng cửa. Năm học 1952-1953, trường dạy lại và sau một thời gian, trường giải thể.
Năm 1946, Pháp cho lập một xưởng kỹ nghệ ở gần Chụt, sau này trở thành trường Thực Nghiệp Nha Trang, nay là trường Cao Đẳng Nghề Nha Trang, đường Trần Phú.
Năm 1947, một trường trung học Quốc lập đầu tiên được mở tại Nha Trang, mang tên là Collège Franco-Vietnamien hay Collège de Nha Trang. Năm học đầu tiên có một lớp khoảng 30 học sinh học trong cơ sở trường Tiểu học Pháp - Việt (Trường Nam). Đến năm học 1952-1953 trường về cơ sở mới lấy tên là trường Trung học Võ Tánh ở đường Bá Đa Lộc, sau 1975 là trường THPT Lý Tự Trọng ở đường Lý Tự Trọng, dạy từ lớp đệ thất đến lớp đệ nhất (lớp 6 – 12 ngày nay) nên gọi là trường trung học đệ nhất và đệ nhị cấp. Lúc đầu, nam nữ học chung.
Đến năm học 1964-1965, trường tách nữ ra học riêng, học ở trường Nữ Trung Học Huyền Trân, nay là cơ sở trường THCS Thái Nguyên. Ở Nha Trang cũng có một trường Trung học bán công mang tên Lê Quý Đôn, nay là cơ sở của trường Tiểu học Tân Lập, đường Tô Hiến Thành. Về tôn giáo mở trường tư, có trường Trung học Bá Ninh dành cho nam sinh (nay là cơ sở trường Cao đẳng Sư Phạm Nha Trang), trường trung học Thánh Tâm dành cho nữ sinh (nay là cơ sở trường Mẫu Giáo Hương Sen), trường tiểu học Giu se (nay là trường Tiểu học Tân Lập), trường Trung học và tiểu học Bồ Đề (nay là cơ sở trường Trung học Phan Sào Nam). Ngoài ra, ở Nha Trang còn có một số trường tư khác như trường Đăng Khoa (nay là trường tiểu học Phương Sài), trường Tương Lai, trường Văn Hóa, trường Hưng Đạo, trường do người Hoa lập mang tên trường Khải Minh (nay là trường Kim Đồng), trường Pháp sau này dạy chương trình Việt mang tên trường Hàn Thuyên (nay là Mẫu Giáo Lý Tự Trọng).
Năm 1970, tại cơ sở trường Nam tiểu học Nha Trang, trường Trung học Sư Phạm đào tạo giáo viên tiểu học được mở, giúp cho học sinh Nha Trang đỡ tốn kém khi phải ra Quy Nhơn học trường Sư Phạm Quy Nhơn.
Năm 1972, một trường đại học được thành lập ở Nha Trang, đó là trường Đại học Duyên Hải Nha Trang (nay là cơ sở của trường Dự Bị Đại học Dân tộc Trung Ương).
Sau năm 1975, các trường tư, bán công thành lập trước tại Nha Trang không còn nữa. Các cơ sở được mở thành trường tiểu học, trung học cơ sở, cao đẳng. Với sự phát triển giáo dục ngày một tăng, một số trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở công lập được xây cất thêm trực thuộc Phòng Giáo dục Nha Trang và một số trường Trung học phổ thông công lập cũng được mở thêm trong Thành phố trực thuộc Sở Giáo Dục và Đào tạo Khánh Hòa. Ngoài trường THPT Nguyễn Văn Trỗi mở tại trường Nam Tiểu học cũ, trường THPT Lý Tự Trọng (trường Trung học Võ Tánh cũ), trong Thành phố còn mở thêm trường THPT Hoàng Văn Thụ, Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (được thành lập từ năm 1985), Trường Phổ thông Hermann Gmeiner. Về ngành học thường xuyên, tại Nha Trang có Trung Tâm Giáo dục Thường Xuyên Tỉnh (đường Trần Hưng Đạo)và Trung Tâm Giáo dục Thường Xuyên Thành phố Nha Trang (đường Sinh Trung), dạy chương trình bổ túc văn hóa. Dạy chương trình bổ túc còn có trường Nha Trang 2 (đường Lê Thành Phương) và lớp đêm tại trường THPT Lý Tự Trọng. Bên cạnh các trường trung học công lập, các trường trung học bán công cũng được thành lập tại Thành phố Nha Trang : Bán Công Chu Văn An, Bán công Nguyễn Trường Tộ và 2 trường Trung học Dân lập Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Thánh Tông. Về ngành Giáo dục chuyên nghiệp, một số trường Trung học, Cao đẳng cũng được mở tại Nha Trang : Cao đẳng Sư Phạm, Trung học Kinh tế, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật - Du lịch, Cao đẳng Y tế, Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ (sau này thành trường Cao đẳng Nghề). Ngoài ra, tại Nha Trang cũng đã thành lập Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Khánh Hòa,
Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Nha Trang để dạy một số nghề cho học sinh cấp 2 và 3. Từ năm học 1987-1988, tại Nha Trang một trường thực nghiệm giáo dục phổ thông của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng được mở và hiện nay, chương trình này không được tiếp tục và cơ sở tại đường Lê Hồng Phong được mở thành trường tiểu học dạy chương trình của Bộ. Và cũng tạo điều kiện cho học sinh các dân tộc ít người trong tỉnh có điều kiện học chương trình cấp 3, trường Trung học Dân tộc Nội trú Tỉnh cũng được thành lập tại khu vực Đồng Đế Nha Trang
Một số trường trực thuộc trung ương cũng được đặt tại Thành phố Nha Trang, như trường Đại học Thủy sản (sau này Đại học Nha Trang), Trường Cao đẳng Sư Phạm Nhà Trẻ Mẫu giáo Trung Ương 2, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung Ương. Về ngành học Quân sự, có 3 trường : Trường Sĩ Quan Kỹ thuật Không Quân, Học viện Hải Quân và trường Sĩ Quan Thông Tin.
Tóm lại, Thành phố Nha Trang không những là trung tâm chính trị xã hội văn hóa của Tỉnh Khánh Hòa mà còn là trung tâm giáo dục của tỉnh, nơi đào tạo nhiều nhân tài, nhân lực cho thành phố, cho tỉnh và cho cả đất nước nữa.
CHÚ THÍCH:
(1)  QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam nhất thống chí - tỉnh Khánh Hòa, bản Duy Tân, Quyển 10 & 11, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa Sài Gòn xb, 1964, trang 70-71
(2)  Đại Nam nhất thống chí - tỉnh Khánh Hòa, sđd, trang 68







1 nhận xét:

  “Trăm năm một thuở”: Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ 7 Tháng Tư, 2023 264 Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, N...